Bái Đính, Ninh Bình - Lâm Bình, Sơn Dương, Tuyên Quang (3 ngày 2 đêm)
BÁI ĐÍNH (NINH BÌNH) - LÂM BÌNH, SƠN DƯƠNG (TUYÊN QUANG)
(3 NGÀY 2 ĐÊM)
LỊCH TRÌNH
NGÀY 01: NINH BÌNH – LÂM BÌNH, TUYÊN QUANG
6h30:Xe đón Qúy Khách tại điểm hẹn khởi hành đi Lâm Bình, trên đường đi quý khách được chiêm ngưỡng phong cảnh miền núi trung du
11h30: Quý khách ăn trưa và nghỉ ngơi tại tp. Tuyên Quang
12h30: Qúy Khách lên xe tiếp tục hành trình.
15h30: Xe tới trung tâm huyện Lâm Bình. Quý khách di chuyển sang các xe nhỏ để về các nhà sàn homestay, nhận phòng
16h00: Quý khách đi xe đạp địa hình quanh các bản làng, tham quan và tham gia tìm hiểu và sinh hoạt cùng bà con hoặc tham gia các trò chơi dân gian như: đánh cù, đánh pam, yến, đi cà kheo, bắn nỏ,… Quý khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách của bà con nhân dân Lâm Bình.
18h30: Quý khách ăn tối tại Homestay cùng với những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào nơi đây như: thịt lợn treo gác bếp, gà đồi, lợn tên lửa, cá hồ thủy điện, rau rừng – măng rừng… và thưởng thức hương vị rượu ngô men lá (thứ men được làm hoàn toàn tự nhiên với hơn 50 loại lá, rễ cây rừng)
19h30: Tham gia chương trình sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, thưởng thức nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao và đốt lửa trại tại các cụm homestay.
21h30: Quý khách tự do thưởng thức không khí Lâm Bình về đêm bên cạnh đống lửa, nướng măng, ngô, khoai, sắn, nhấp chén rượu ngô nồng đượm tình người, và nghỉ nhà sàn.
NGÀY 02: HỒ THỦY ĐIỆN – HANG KHUỔI PÍN – THÁC KHUỔI NHI
6h00: Đoàn ăn sáng
7h00: Đoàn lên xe thăm quan, chiêm bái chùa Phúc Lâm. Chùa Phúc Lâm (có nghĩa là ban phúc lành cho núi rừng) nằm ở thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Chùa có tên đầy đủ là “Phúc Lâm Tự”. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao, rộng và bằng phẳng, quay theo hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông. Phía xa hơn nữa là những dãy núi Thượng Lâm trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm. Theo một vài nghiên cứu, toàn bộ khuôn viên của phế tích kiến trúc chùa Phúc Lâm xưa tọa lạc trên một gò đất rộng khoảng 600m2. Các hiện vật còn được lưu giữ tại chùa như: Tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa, các mảng tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ… đã chứng minh chùa Phúc Lâm ra đời trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XIII và XIV (dưới thời Trần).
8h00: Đoàn xuống thuyền đi thăm quan lòng hồ. Lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang rộng hơn 8.000ha mặt nước, vẫn giữ được vẻ hoang sơ vốn có của nó. Nếu đi thuyền vãn cảnh hồ thủy điện Tuyên Quang (với chiều dài khoảng 70km), khách du lịch sẽ có sáu giờ đồng hồ đắm mình với thiên nhiên sông nước và núi rừng, được tìm hiểu về từng sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây. Nơi được mệnh danh như “Hạ Long Cạn giữa đại ngàn”. Với các danh thắng đẹp phải kể đến như là: Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me, thắng cảnh Cọc Vài, danh thắng 99 ngọn núi, hang người Việt cổ,….
9h00: Đoàn lên thăm quan hang Khuổi Pín. Hang Khuổi Pín, thuộc xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, thuộc lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Hang Khuổi Pín cách mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang 1.500m, đi bộ khoảng 45 phút. Hang dài khoảng 500m, chỗ rộng nhất trên 300m, trần hang chỗ cao nhất trên 100m. Hang có nhiều nhũ đá vôi đẹp chưa có tác động bàn tay của con người. Trong hang có nhiều mạch nước ngầm tạo thành những hồ nước. Hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau. Xung quanh vùng đệm của hang là rừng cây nguyên sinh, không khí trong lành mát mẻ, phong cảnh hữu tình.
12h00: Đoàn ăn trưa tại nhà hàng nổi trên hồ, thưởng thức đặc sản lòng hồ.
13h30: Đoàn thăm quan và tắm tại thác Khuổi Nhi. Thác Khuổi Nhi có chiều dài khoảng 3 km, thác đổ từ trên đỉnh núi xuống vách đá với dòng nước trong, mát lạnh. Thác có nhiều tầng, nước chảy mạnh, tung bọt vào vách núi trắng xóa. Những giọt nước nhỏ theo gió bay ly ty tạo một không gian mát lạnh. Du khách leo lên đỉnh là tầng thác chính, thác dội từ trên cao xuống nhìn như “mái tóc nàng tiên giữa đại ngàn”. Một “đặc sản” mà không ở đâu trên lòng hồ có được, chỉ có ở thác Khuổi Nhi. Đó là cảm giác “buồn buồn, tê tê” khi du khách cho cá rỉa chân. Đây là một loại cá nhỏ, sống ở vùng thác nước trên núi cao. Cá chịu được tốc độ dòng chảy rất lớn nên có hình thù đầu nhọn, người dài, mình mỏng. Mồm cá được cấu tạo đặc biệt, có thể bám chắc vào cây, vách đá. Cá ăn rong rêu, phù du. Khi du khách ngâm chân xuống nước, đàn cá ngay lập tức đến rỉa.
15h30: Đoàn trở về Bến Thủy, tham quan Cọc Vài (cọc buộc trâu của Trời); nơi đây được ví như HẠ LONG CẠN giữa đại ngàn; chèo thuyền KAYAK, tắm tại khu vực CỌC VÀI để tận hưởng không gian mênh mông huyền thoại, làn nước xanh biếc,…
16h00: Quý khách về lại homestay, tìm hiểu và tham gia vào các sinh hoạt của người dân địa phương:
19h00: Chương trình ăn tối tại các nhà Homestay.
20h00: Quý khách thưởng thức chương trình Nhảy lửa huyền bí của đồng bào dân tộc PàThẻn. Người dân PàThẻn đốt một đống củi to. Khi củi cháy thành đống than hồng đỏ rực thì nghi lễ cúng của thầy cúng cũng hoàn thành. Từng chàng trai một người bắt đầu rung lên, ánh mắt tự nhiên khác lạ, đầu lắc đi lắc lại… Họ nói rằng các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than vào mồm nhai. Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự gieo hò và khen ngợi của những người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than. Trong lúc đó thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn Bàn dơ và đọc bài cúng, thầy cúng cũng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân của thầy rung lên bần bật trên ghế. Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình họ về ngồi lại bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ họ lại thay nhau lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Phần hội nhảy lửa cứ thế và diễn ra trong khoảng một tiếng, lửa tàn rồi nhóm lại rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi, Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các vị thần về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh táo lại, điều kì lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng.
NGÀY 03: LÂM BÌNH – CÂY ĐA TÂN TRÀO – NINH BÌNH
6h00: Đoàn ăn sáng
6h30: Đoàn tham gia chợ phiên Lâm Bình. Mua cho mình những đặc sản vùng miền, những món quà lưu niệm về làm quà. Chợ phiên một nét văn hóa độc đáo tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Chợ phiên tại đây được họp vào ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
8h00: Đoàn chia tay Lâm Bình
12h00: Đoàn ăn trưa tại Sơn Dương
13h00: Đoàn thăm quan di tích lịch sử Tân Trào.
14h30: Đoàn khởi hành về Ninh Bình.
19h00: Đoàn trở về Ninh Bình, kết thúc chuyến thăm quan.