Lời mời gọi từ Lâm Bình

1,917 views
Là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh Tuyên Quang, huyện Lâm Bình được thành lập theo Nghị quyết số 07-NQ/CP ngày 28/01/2011 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa. Trung tâm huyện được đặt tại xã Lăng Can cách thành phố Tuyên Quang 150 km.

Miền đất Lâm Bình gắn liền với những sự tích và các địa danh: Đàn Phượng hoàng và 99 ngọn núi, nghề trồng bông dệt vải, đèo Nàng, đèo Ái Au... Với 99% dân số là người dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn đã tạo cho vùng đất này một bức tranh văn hóa muôn màu, là đòn bẩy để Lâm Bình có thế phát triển kinh tế từ thế mạnh du lịch.

Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 279, tỉnh lộ ĐT 188 và tỉnh lộ ĐT 185 chạy qua, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của huyện.

Nhiều tiềm năng để phát triển nông lâm nghiệp - du lịch

Lâm Bình có lợi thế là đất đai khá đa dạng về nhóm, loại và được phân bổ trên nhiều dạng địa hình khác nhau, tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái nông lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây lâu năm. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn so với tổng diện tích tự nhiên của huyện (chiếm 87%); đất đai phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị về kinh tế cao, như: keo, mỡ, quế, chè... Với diện tích mặt hồ lớn (trên 4.000 ha) phù hợp với việc phát triển nuôi cá lồng bè, đặc biệt là các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, đây được coi là một trong những thế mạnh của huyện để phát triển kinh tế và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”

Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình, hiện trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao trong đó phải kể đến là đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm.

Đền Pú Bảo là nơi thờ Đức Quận công Nguyễn Thế Quần (thường gọi là Đức Quận công Thiếu Bảo) - người có nhiều công tích trong việc dẹp loạn ở Tuyên Quang. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI- XVII nằm trên cánh đồng Nà Tha, thôn Bản Kè B, xã Lăng Can có địa thế như sự hội tụ của linh khí núi sông. Đền quay theo hướng Bắc, nhìn ra cánh đồng, xung quanh có nhiều ngọn núi chầu vào như thuần phục. Năm 2014, Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền Pú Bảo đã trở thành điểm đến của đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa.

Chùa Phúc Lâm nằm ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia. Năm 2011, chùa được phục dựng bằng gỗ, theo hướng Tây Nam, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi chùa cũ, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, gồm một gian hai chái, mái lợp gạch nung. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng tông vào ngày 15 tháng Giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu.

Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân. Trong các lễ hội Lồng Tồng có thêm các trò chơi dân gian như: tung còn, thi đánh yến, đánh pam, đẩy gậy, đi cà kheo… tạo thêm không khí đón xuân vui tươi.

Lâm Bình còn có những thắng cảnh đẹp khác như: Động Song Long, thác Mặn Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng; di tích khảo cổ Hang Phia Vài… đây là những di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia, thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa và sinh thái.

Khách du lịch đến với Lâm Bình còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau Mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…

Đặc biệt thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành “Đề cương nghiên cứu, xây dựng Công viên Địa chất Nà Hang - Lâm Bình, Tuyên Quang” trình Chính phủ xem xét, công nhận là Công viên địa chất quốc gia. 



Khu trung tâm hành chính huyện Lâm Bình Ảnh: Mạnh Thái

 

Khu vực được đề xuất nghiên cứu, xây dựng Công viên Địa chất Na Hang-Lâm Bình, bao gồm toàn bộ diện tích 12 xã, thị trấn của huyện Na Hang và 8 xã thuộc huyện Lâm Bình với tổng diện tích 1.647km2. Đây là nơi hội tụ nhiều giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là các di sản địa chất-địa đạo, các di tích lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học… có giá trị nổi bật tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đây sẽ là cơ hội lớn để du lịch Lâm Bình cất cánh.

Tập trung vào 3 lĩnh vực để phát triển


Từ khi thành lập huyện đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương. Kinh tế của huyện có sự phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân trên 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản; việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện và các xã được đặc biệt quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Khi mới thành lập, tỉ lệ hộ nghèo là 71%, nay giảm xuống còn 37% theo tiêu chí nghèo của giai đoạn 2011 – 2015. 

Theo ông Nguyễn Văn Dưng Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, bám sát nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội , theo đó trong 5 năm tới, Lâm Bình tập trung thực hiện 3 lĩnh vực đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Huyện huy động nguồn lực của nhà nước, xã hội hóa trong chính người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân. Huyện xác định không tập trung hết nguồn lực vào trung tâm huyện mà đầu tư đồng đều, hợp lý tại các xã. Hoàn thiện hệ thống giao thông, điện. trường học.

Lâm Bình cũng dựa trên thế mạnh để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao thu nhập gắn với xây dựng nông thôn mới. Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện chú trọng hướng dẫn nhân dân chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy cây con đặc sản của huyện: cây giảo cổ lam, cây dạ hiến ( bồ khai), rau sắng, vịt bầu, lợn đen, cá tầm…Đi đôi với đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống cây trồng để nâng năng suất chất lượng, lựa chọn cây trồng theo lợi thế, khí hậu, đất đai. Huyện đang xây dựng đề án, khảo sát, xây dựng theo mô hình cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Một lĩnh vực được Lâm Bình xác định phải tập trung đẩy mạnh đó là du lịch. Ngay sau khi thành lập huyện, Lâm Bình đã thực hiện công tác quy hoạch phát triển tổng thể du lịch huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, huyện đã triển khai khôi phục và duy trì và tổ chức các sự kiện văn hóa như Lễ hội Lồng tông, nhảy lửa, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian qua, huyện đã khôi phục và nâng cấp lễ hội Lồng tông xã Lăng Can thành lễ hội cấp huyện, phục dựng chùa Phúc Lâm; khuyến khích các tập thể và cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các điểm, khu du lịch. 

Để phát triển du lịch một cách hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều du khác đến với Lâm Bình, thời gian tới huyện quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, huy động vốn, thu hút đầu tư, từng bước phát triển kinh tế du lịch, tập trung tại xã Lăng Can, Thượng Lâm và khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế như: du lịch mặt hồ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,...

Phát triển du lịch phải gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Do đó, Lâm Bình xác định duy trì tổ chức tốt các lễ hội văn hóa; xây dựng các làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; dân tộc Dao tại thôn Tân Lập, xã Thổ Bình; dân tộc Pà Thẻn tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang để thu hút khách du lịch.

Đi đôi với đó, huyện tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch,...Quan tâm, khuyến khích phát triển các sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du khách. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ cho phát triển du lịch.

Lan Ngọc

 

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA HUYỆN ĐẾN NĂM 2020

1- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 14%/năm. 
2- Cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 47,5%; công nghiệp - xây dựng 30,3%; thương mại, dịch vụ 22,2%. 
3- Thu nhập bình quân 26,6 triệu đồng/người/năm.
4- Giá trị sản xuất các ngành (theo giá hiện hành): Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 570 tỷ đồng, tăng bình quân 6,8%/năm; công nghiệp - xây dựng đạt trên 360 tỷ đồng, tăng bình quân trên 24,3%/năm; các ngành dịch vụ đạt trên 260 tỷ đồng, tăng bình quân trên 38,7%/năm.
5- Thu cân đối ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt trên 15 tỷ đồng.
6- Độ che phủ rừng đạt trên 70%.
7- Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt trên 98%.
8- Trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
9- Duy trì 100% các xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục các bậc học; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 40%, trong đó qua đào tạo nghề trên 25%; tạo việc làm cho trên 5.500 lao động.